Tin mới

Menu

Cán đích thu ngân sách

Năm 2013, với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo dự toán Quốc hội giao. Phát huy những kết quả đó, năm 2014, ngành Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nỗ lực hoàn thành dự toán

Dưới những tác động không thuận từ bên ngoài và những khó khăn nội tại, năm 2013, nền kinh tế đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mà rõ nhất là khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khiến số thu ngân sách đạt thấp. Chỉ tính đến hết tháng 11, tổng thu NSNN bằng 85,6% dự toán, đạt 67.500 tỷ đồng. Mặc dù, đây là tiến độ thu thấp so với nhiều năm trở lại đây, song vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Toàn ngành Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thu ra sức phấn đấu quyết liệt nhưng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK vẫn bị hụt so với dự toán (thu nội địa đạt 84,6%, thu từ XNK đạt 83,8%), bù lại thu từ dầu thô vượt dự toán (103,6%) chủ yếu do giá dầu tăng. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt bậc cùng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, ngành Tài chính vẫn hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao.

Lường trước những khó khăn từ tình hình thu NSNN năm 2012 cùng với dự toán thu năm 2013 được Quốc hội thông qua vẫn ở mức cao, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2013. Với Nghị quyết này, nhiều giải pháp thu NSNN quyết liệt đã được triển khai như tăng cường chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế; tăng cường chế tài, thực thi pháp luật về thuế; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội; đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường trái phiếu...

Bên cạnh đó, trong năm 2013, công tác quản lý, điều hành NSNN luôn luôn tích cực, chủ động; đặc biệt trong điều kiện cân đối khó khăn như hiện nay, NSNN vẫn đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực chung của ngành Tài chính. Tổng chi NSNN 11 tháng khoảng 866.150 tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán. Công tác quản lý chi NSNN được tăng cường theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; trong quá trình thực hiện tiếp tục rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên; tiết giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cấp bách; đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; phổ biến chính sách, pháp luật về tài chính; các quy định về công khai, minh bạch hoạt động tài chính- NSNN, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng.

Về tổng thể, việc thu NSNN đạt dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, nhất là chi cho phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn có thể coi là một điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành Tài chính năm 2013. Cùng với sự nỗ lực chung của tất cả các cấp, các ngành, việc hoàn thành nhiệm vụ tài chính- ngân sách của ngành Tài chính đã góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát trong năm vừa qua như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2013 và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 tại Bộ Tài chính.

Định rõ hướng đi

Sang năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo sẽ ổn định hơn; các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đang đi vào cuộc sống. Theo đó, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ rõ rệt hơn với ảnh hưởng tích cực từ nền kinh tế thế giới trên cả lĩnh vực kinh tế, thương mại và chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; dư địa của các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tổng cầu cuối năm 2013, cũng như sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Niềm tin của DN được củng cố, dòng vốn được khơi thông sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ hồi phục sản xuất. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới (EPA, TPP, EU) sẽ mang đến cơ hội mở rộng đầu tư và thương mại cho DN.

Với chủ trương kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ, định hướng phát triển chính sách tài khóa cũng đã được ngành Tài chính xác định rõ. Đó là tiếp tục phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường việc quản lý NSNN; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của DNNN; phấn đấu giữ bội chi NSNN theo kế hoạch; thực hiện chương trình quản lý nợ trung hạn; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị; khẩn trương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thích hợp để từng bước điều chỉnh khung giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế...

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân, năm 2014, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Tài chính - Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước; duy trì, củng cố và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thông tin để thực hiện thủ tục hành chính cũng như giám sát việc thực hiện của các cơ quan tài chính các cấp. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo cho các thị trường này hoạt động lành mạnh, ổn định, đảm bảo việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính; phát hiện, ngăn ngừa và kịp thời xử lý rủi ro.

Với những định hướng cụ thể này, ngành Tài chính kỳ vọng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2014, tạo tiền đề, góp phần cùng cả nước cán đích Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015.

Tổng thu cân đối NSNN năm 2014 là 782,7 nghìn tỷ đồng; trong đó thu nội địa là 539 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô là 85,2 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động XNK là 154 nghìn tỷ đồng, thu viện trợ không hoàn lại là 4,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng chi NSNN năm 2014 là 1.006,7 nghìn tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng chi NSNN.
Bội chi NSNN khoảng 224 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% GDP.
(Trích Báo cáo số 417/BC-CP của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2013 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014)

Theo Báo Hải Quan

Share This:

Xóm tin

Blog tin tức cập nhập những thông tin nóng hổi mới nhất trên các trang tin tức lớn, blog mang đến cho bạn cái nhìn toàn cảnh về thị trường kinh tế trong nước và thế giới, những thông tin bổ ích về Sức khỏe, đời sống những thông tin mới nhất về khoa học kỹ thuật và con người mang đến những kiến thức bổ ích cho bạn

Nhập bình luận cho bài viết " Cán đích thu ngân sách "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM